THÁNH ĐƯỜNG SÀI GÒN, CALIFORNIA

  • Trang Chủ
  • Tin Tức Cứu Trợ - Hội Thánh
  • Hội Thánh - Ban Ngành
  • Công Tác Cứu Trợ
  • Liên Hệ
  • Trang Chủ
  • Tin Tức Cứu Trợ - Hội Thánh
  • Hội Thánh - Ban Ngành
  • Công Tác Cứu Trợ
  • Liên Hệ

Tin Tức - Dưỡng Linh

Đợt Cứu Trợ Thứ 138

8/23/2017

0 Comments

 
Tường Trình Về Chuyến Đi
Kính thưa quý vị,
Tôi tên là Châu Ngọc Nguyễn ,  là dược sĩ đang làm việc tại St. Francis Hospital tại Columbus, GA. Tôi rất hân hạnh đồng hành cùng MS Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Bảo trong chuyến đi cứu trợ đợt thứ 138 này. Chúng tôi đi từ Quảng Nam đến Cà Mau để phát gạo, khánh thành cầu bác ái và nhìn xem những cái giếng nước vừa mới hoàn thành cũng như nhìn thấy đàn dê tại Cam Ranh.
Bởi được đi chung, tôi  mới biết những vất vả của MS Bảo và những nhân sự trong suốt chuyến đi trải dài từ miền trung đến miền nam việt nam là vất vả và nhọc nhằn như thế nào.  Điểm phát gạo đầu tiên mà chúng tôi đến là tại Hội người mù ở Hội An . Chúng tôi phát hơn 186 bao gạo tại nơi đây. Nhìn những ông bà cụ già mắt đã không còn nhìn thấy gì đứng xếp hàng chờ nhận gạo, lòng tôi xúc động vô cùng. Có một số bạn trẻ bị mù bẩm sinh cũng kiên nhẫn đứng đợi lấy gạo.  Thật sự 20 kg gạo không phải là món quà có giá trị lớn, nhưng chứa chan nghĩa tình của cộng động hải ngoại gần xa. Tôi sẽ không bao giờ quên những nụ cười cảm kích của cộng đồng người mù tại Hội An khi nhận những bao gạo đầy ấp yêu thương của cộng đồng hải ngoại. 
Sau đó, đoàn chúng tôi di chuyển đến Huyện Hoà Vang để thăm hội người mù thứ 2, bà con đã đến chờ đợi từ lâu, gặp chúng tôi, ai nấy cũng  vui mừng. Giữa cái nóng oi bức của tháng 7, bà con tay bắt mặt mừng với đoàn. Cảm giác tuy xa mà gần, tình dân tộc, tình anh em làm tôi thật xúc động. Nhiều ông bà cụ lớn tuổi không đến nhận được, phải nhờ  người thân hay các anh xe ôm đến lấy hộ. Bà con vui mừng vì đồng bào hải ngoại còn nhớ đến những mảnh đời không được may mắn và có nói là bất hạnh tại đất quảng nam nghèo khó.
Đoàn tiếp tục di chuyển đến làng phong cùi Liên Chiểu để phát gạo. Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến một làng phong cùi tại Việt Nam. Làng phong cùi Liên Chiểu khá khang trang sạch sẽ, nghe nói nhà nước mới đưa họ vào đây. Trước kia sống còn có mảnh vườn trồng rau, nuôi gà. Đến làng phong cùi này, họ chỉ được một căn nhà nhỏ xíu, tất cả đều trông vào mấy trăm ngàn trợ cấp của chính phủ. Nghĩ mà thấy thương bà con ở đây quá!  Nhiều ông bà cụ đã lớn tuổi, nhiều người bàn tay bàn chân không còn nguyên vẹn, đứng chờ đoàn cứu trợ từ  rất sớm. Nhiều người đến bắt tay chúng tôi, cảm ơn chúng tôi,  đặc biệt cảm ơn đồng bào người việt hải ngoại vẫn luôn nhớ đến họ. Ánh mắt, nụ cười, và tấm lòng cảm kích của người dân làng phong cùi hiện rõ trên những khuôn mặt đơn sơ, chất phát của họ. Nếu quý vị có mặt ở đó, chắc chắn quý vị sẽ không thể nào quên những khuôn mặt đáng thương của người dân tại đây. Thiết nghĩ nếu chúng ta tiết kiệm một chút như là bớt uống một lý cafe, một lon nước coke mỗi ngày và dùng số tiền đó để giúp những người dân bất hạnh này có thêm gạo ăn thì tốt biết mấy. Tôi tin chắc rằng chúng ta ai ai cũng có thể thực hiện điều này.
Sau đó, chúng tôi rời Quảng Nam, trở về sài gòn và tiếp tục chuyến đi đến thành phố Cà Mau. Đường đến khánh thành chiếc cầu bác ái của bà Nguyễn Thị Phụng để ghi công đức cho cửu huyền thất tổ cho 2 họ nội ngoại tại ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng thật là gian nan. Sau khi đi bằng xe hơi khoảng 1 tiếng ,  đoàn phải chuyển sang đi xe máy một đoạn đường khá xa mới đến được chiếc cầu này.  Trên đường đến cầu, tôi nhìn thấy thật nhiều cầu khỉ chông chênh, cheo leo, những chiếc dây bắc ngang qua sông và những chiếc phao nhỏ. Tôi tự hỏi rằng không biết có bao nhiều người đã bị té xuống con sông này.  Nếu là tôi, chắc tôi không dám đi qua đâu!.Không biết các em nhỏ phải làm sao để băng qua sông.  Dọc bờ sông, Trên đoạn đường hơn 5 cây số đến ấp Bình Minh 2,  những chiếc cầu bắc qua sông chỉ đếm trên đầu ngón tay, những chiếc cầu được xây như của bà Phụng quyên tặng thì chắc chỉ vài 3 cái. Nghĩ mà thương người dân mình vất vả, cực nhọc, thiếu thốn đủ điều. Do đó, tôi quyết định sẽ dành dụm để sau này có thể góp phần xây cầu cho người dân ở miền Tây như bà Phụng và nhiều ân nhân khác.
Rời miền tây, chúng tôi đi Cam Ranh, lên Khánh Sơn xem các giếng nước vừa mới đóng. Ôi! Khánh Sơn là một huyện miền núi nghèo vô cùng nghèo nằm phía tây nam tỉnh khánh hoà. Đường lên huyện Khánh Sơn tuyệt đẹp, nhưng vùng đất này thì nghèo thật nghèo. Trong khi Nha Trang là một thành phố sạch, đẹp, nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, thì Khánh Sơn cách Nha Trang khoảng 100 cây số là một huyện nghèo khó, nhiều đường chưa trải nhựa, rác khắp mọi nơi, phân súc vật khắp mọi nơi, người dân sống trong nhà tranh vách đất , các em bé đi chân đất rất đáng thương.  Chúng tôi phải đi bộ vào thăm những giếng nước mới xây. Đi trên những đống rác lớn hôi thối, phân súc vật đầy đường, giữa cái nóng chói chang, tôi phải gồng mình để không rơi nước mắt vì thấy dân mình còn khổ, còn nghèo đến như vậy. Suốt bao nhiêu năm qua, tôi nghe đến cái nghèo cái khổ của dân mình nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy tận mắt họ khổ tới như vậy.
Tôi ước mong quý vị trên đài sắp xếp thời gian đi cùng MS Bảo một chuyến, về những nơi nghèo khó như huyện Khánh Sơn thì  chúng ta sẽ có một cái nhìn gọi là “tai nghe mắt thấy”. Nhìn thấy những giếng nước mới làm, tôi thật biết ơn những tấm lòng rộng rãi của quý vị đã góp phần giúp cho người dân tại đây có một cuộc sống sạch sẽ và ít bệnh tật hơn bởi vì nước sạch hơn.  Nhà người dân không hề có nhà vệ sinh, không có nước máy. Tôi nhìn thấy những thùng nước đục gầu phía sau nhà mà người dân ở đây phải sử dụng nhiều năm qua . Tôi thật lòng biết ơn những ân nhân đã và đang góp phần cho công tác này. Thật không có gì quý hơn là có nước sạch để sử dụng.  Sau khi thăm các giếng nước, Tôi còn được nhìn thấy phòng vệ sinh công cộng đầu tiên ở huyện Khánh Sơn mà người ta đang thi công. Ước mong sẽ có thêm nhiều giếng nước, nhiều nhà vệ sinh công cộng để thế hệ tiếp theo tại huyện Khánh Sơn này sống khoẻ mạnh và bớt bệnh tật.
Điều cuối cùng tôi nhìn thấy tại Cam Ranh là đàn dê hơn 10 con được nuôi thí điểm tại đây. Kính thưa quý vị, với sự giúp đỡ của Cụ Vũ Đinh ở Santa Ana, California đã tặng cho 1 gia đình kia 5 con dê cái, sau 1 năm, đàn dê đã lên được 10 con. Ý kiến nuôi dê của MS Bảo thật là hay, dê là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn, thời gian sinh sản nhanh. Đây thật là cách xoá đói giảm nghèo thông minh cho bà con vùng Cam Ranh.
            Kính thưa quý vị, tôi sẽ không bao giờ quên chuyến cứu trợ  lần 138 này. Được nhìn tận mắt cuộc sống khó khăn, nghèo khổ của người dân mình, được nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc khi nhận được những bao gạo đầy nghĩa tình. Được nghe những lời tri ân, biết ơn từ họ. Sau chuyến đi này, tôi hiểu được tại sao MS Bảo, dù đã 78 tuổi vẫn lặn lội về Việt Nam, chịu ngủ trong những nơi đơn sơ, chịu nóng, chịu nhiều nguy hiểm khi đi lại, hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc, làm tất cả cho những hoàn cảnh khốn khó tại Việt Nam. Kính thưa quý vị, dân tộc chúng ta còn nghèo, đất nước chúng ta còn khổ. Nhiều đồng bào chúng ta còn chưa có nước sạch, còn đi trên cầu khỉ, còn bị đói bị khát, tôi xin kêu gọi mỗi chúng ta hãy chung tay lại góp phần để giúp đỡ người dân mình có một cuộc sống tốt hơn.  Tôi hy vọng  mỗi chúng ta bằng cách này hay cách khác sẽ cùng dự phần trong việc cứu trợ tại VN. Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi những hình ảnh trên trên tivi và gọi vào số điện thoại 714-892-6868 để dự phần vào những đợt cứu trợ tiếp theo.
Muốn thật hết lòng,
Châu Ngọc
0 Comments

Your comment will be posted after it is approved.


Leave a Reply.

    BÀI GIẢNG HẰNG TUẦN


Site powered by Weebly. Managed by Lunarpages